Khu di tích Gò Tháp là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Đồng Tháp. Di tích này là nơi chứa đựng nhiều điều bí ẩn của một nền văn minh cổ xưa nhất ở Đông Nam Á. Khu di tích Gò Tháp cũng được công nhận là di tích quốc gia từ năm 1998. Hiện tại đây là một quần thể với nhiều di tích khác nhau, chứa đựng rất nhiều giá trị.
Xem thêm: Du lịch Đồng Tháp
Khu di tích Gò Tháp ở đâu? đi như thế nào?
Khu di tích Gò Tháp là một địa điểm nổi tiếng thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách. Khu này thuộc hai xã Mỹ Hòa và Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Nó cách trung tâm huyện Tháp Mười khoảng 11km, cách thành phố Cao Lãnh khoảng 43km.
Xuất phát từ tên gọi Gò Tháp hay Gò Tháp Mười, người ta đã gọi cả vùng này là Đồng Tháp Mười.
Để tới đây, du khách có thể đi xe máy, ô tô… theo hướng dẫn sau:
Thông tin liên hệ Ban quản lý Khu di tích Gò Tháp
- Trụ sở: ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười
- Điện thoại: 0673960071 – 0673960028 – 0673877579
- Fax: 0673877579
- Email: bqlgothap@yahoo.com.vn
- Mở cửa từ 8:00 – 17:00
- Giá vé: Miễn phí
Khu di tích Gò Tháp có gì hay?
Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa
Gò Tháp có diện tích khoảng 4500m2, gò nổi lên cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 3.8 m. Khu di tích Gò Tháp được phát hiện và khai quật vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 bởi các nhà khảo cổ học người Pháp.

Tại đây có những phát hiện quan trọng về một số dấu tích kiến trúc cổ, bia đá và văn tự cổ, chạm khắc hình tượng các vị thần, linh vật, các pho tượng Phật bằng gỗ… rất quan trọng. Bên cạnh đó có nhiều bằng chứng cho thấy hệ thống đường giao thông thủy cổ tại đây. Những gì tìm thấy cho chúng ta hình dung được xưa kia nơi đây từng phồn thịnh như thế nào.
Hiện nay, hằng năm nơi đây là nơi tổ chức lễ giỗ cho 2 người có công là Võ Duy Dương và Đốc Binh Kiều. Số lượng người tham gia lễ hội hằng năm lên đến hàng nghìn người.
Được Ngô Đình Diệm xây lại trên nền gò tháp cổ
Xuất phát từ câu chuyện quan niệm rằng Gò Tháp Mười chính là di tích của một ngôi tháp 10 tầng, Ngô Đình Diệm đã cho xây dựng lại ngôi tháp 10 tầng cao 42m (năm 1957). Tháp này ban đầu để thờ cúng Phật, sau đó được dùng làm đài quan sát Đồng Tháp Mười, do đó trong thời gian chiến tranh, đây trở thành mục tiêu mà quân giải phóng đánh sập.
Sau năm 1975 các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục nghiên cứu và có thêm nhiều phát hiện mới giá trị. Các phát hiện này nằm ngay trên Gò Tháp và cả khu vực xung quanh, tạo thành một quần thể di tích.
Các di chỉ khảo cổ tại Khu di tích
Kết quả của nhiều lần khai quật, các nhà khoa học đã phân định ra ba loại hình tại khu di tích Gò Tháp: di chỉ cư trú, di tích kiến trúc, di tích mộ táng.


Năm 1998, nơi đây đã được công nhận là khu di tích cấp quốc gia. Hiện nay quần thể di tích Gò Tháp bao gồm 5 di tích tiêu biểu. Đó là Gò Tháp Mười; Tháp Cổ Tự; Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và cụ Đốc Binh Kiều, mộ cụ Đốc Binh Kiều; gò Minh Sư và miếu Bà Chúa Xứ. Trong đó:
- Di chỉ cư trú Gò Minh Sư: đã được khai quật 3 lần. Dấu tích cư trú phân bố dưới chân gò và rộng khắp cánh đồng thấp xung quanh. Tại đây người ta tìm thấy nhiều mộ táng, đồ đất nung, đồ gốm rất phong phú.
- Kiến trúc Gò Bà Chúa Xứ: Được khai quật năm 1984. Người ta đã đưa ra khỏi lòng đất một kiến trúc khá lớn nằm trong lòng gò. Riêng phần nền và móng có những ô vuông xây gạch, có chỗ dày đến 1.4m. Các phần còn lại bên trên nền móng đã bị phá hủy hoàn toàn
Dấu tích vương quốc Phù Nam và văn hóa Óc Eo
Trong số các bia đá mang nội dung phản ánh về vương quốc Phù Nam được tìm thấy ở khu di tích Gò Tháp, người ta thấy có 1 tấm bia ở niên đại thế kỷ V. Nội dung của bia đá này mang tinh thần Hindu giáo. Được biết Hindu giáo là một tôn giáo phổ biến song hành cùng Phật Giáo trong văn hóa Óc Eo (một nền văn hóa cổ phát triển từ đầu Công nguyên đến TK VII).
Tấm bia còn cho biết đây cũng chính là đầm lầy được chinh phục bởi vua Phù Nam Jayavarman và trao lại cho con mình.
Bên cạnh các tấm bia đá, tại đây người ta cũng phát hiện nhiều di vật như mảnh vỡ bình ấm có vòi, Yoni, khuôn đúc, đặc biệt có 2 tượng Visnu.
Quy hoạch Khu di tích Gò Tháp hiện nay
Khu di tích Gò Tháp hiện nay được quy hoạch với diện tích 300 ha. Nó được chia thành 4 khu chức năng chính:
- Khu di tích bảo tồn, bảo tàng 53 ha.
- Khu nuôi thú hoang dã Đồng Tháp Mười 27 ha.
- Khu rừng sinh thái 166 ha.
- Khu dịch vụ 54 ha.
Đi khu di tích Gò Tháp khi nào?
Đi tham quan khu di tích Gò Tháp thì bạn có thể đi mọi thời điểm trong năm, tuy nhiên nên kết hợp đi vào dịp hè – khi các đồng sen đang nở rộ vô cùng tuyệt đẹp.
Hoặc một gợi ý khác là nên đi vào thời gian có diễn ra lễ hội Gò Tháp. Lễ hội này diễn ra 2 lần mỗi năm, vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch. Trong 10 năm trở lại đây, lễ hội đã trở thành một lễ hội lớn của cả vùng Nam Bộ. Mỗi lần chuẩn bị cho dịp lễ đến là cuộc sống của người dân nơi đây thêm phần rộn ràng hơn bao giờ hết.
Ở đâu khi tham quan khu di tích Gò Tháp
Hiện tại, du khách muốn tham quan khu di tích Gò Tháp và ở lại đây qua đêm, nghỉ ngơi thì có thể chọn dừng chân tại Hai Lúa Homestay. Nơi đây còn có tên gọi khác là Lotus Luka Homestay. Đây là một homestay gây sốt cộng đồng mạng bởi những căn chòi nằm giữa ao sen thơm ngát.
Lưu trú tại Hai Lúa Homestay, sáng thức dậy, du khách sẽ được hít thở bầu không khí trong lành và chiêm ngưỡng những bông hoa sen bắt đầu nở đang rung rinh giữa ánh sương mai. Ngoài ra ở đây còn hoạt động câu cá cho mọi người trải nghiệm.
Hai Lúa Homestay cách khu di tích Gò Tháp 2.8km. Bên cạnh Hai Lúa Homestay, du khách có thể tham khảo nhà khách Nguyễn Văn Hải nếu như homestay hết phòng.
Các địa điểm tham quan gần khu di tích Gò Tháp
Xem thêm: Địa điểm du lịch Đồng Tháp
Du khách khi đến với khu di tích này có thể kết hợp ghé thăm một số địa điểm du lịch xung quanh như: Du lịch Đồng Sen Chín Theo, Đồng Sen Tháp Mười… Đây là địa điểm để bạn thỏa thích tận hưởng không gian tuyệt vời của thiên nhiên và những đồng sen nở rộ tuyệt đẹp.
Bên cạnh chiêm ngưỡng thiên nhiên, bạn có thể thực hiện những bộ ảnh kỷ niệm bên cánh đồng sen thơm ngát – quốc hoa của đất nước. Sau khi tham quan, chụp ảnh sẽ là lúc bạn được ngồi lại nghỉ ngơi, thưởng thức các món ẩm thực dân dã đồng nội đầy cuốn hút. Đó là các món như: cá linh, bông điên điển, chuột rô ti, chuột đồng nướng, cá rô kho tộ, cơm chiên sen, gỏi xoài khô cá lóc…